Truyện Thần trụ Trời


Thần Trụ Trời là truyện thần thoại được lưu truyền khá sớm trong dân gian Việt Nam, giải thích sự hình thành trời đất tự nhiên: biển, hồ, sông, núi,…



Thuở ấy, chưa có thế gian, cũng như chưa sinh ra muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn[1], tối tăm và lạnh lẽo. Bỗng nhiên, một vị thần khổng lồ xuất hiện, chân thần cao không thể tả xiết. Thần bước một bước là có thể qua từ vùng này hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác.

Thần ở trong đám mờ mọt hỗn độn kia không biết từ bao lâu. Bỗng có một lúc, thần đứng dậy ngẩng đầu đội trời lên, rồi tự mình đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa to vừa cao để chống trời. Hễ cột được thần đắp cao lên chừng nào, thì trời dường như một tấm màn rộng mênh mông được nâng dần lên chừng ấy.

Lủi thủi một mình, thần hì hục vừa đào vừa đắp: chẳng bao lâu, cột đá cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên mãi phía mây xanh mù mịt.

Từ đó, trời đát mới phân đôi. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp[2], chỗ trời đất giáp nhau gọi là chân trời.

Truyện thần thoại Thần Trụ Trời

Truyện thần thoại Thần Trụ Trời

Khi trời đã cao và đã khô cứng, không hiểu tại sao thần lại phá tan cột, lấy đá và đất ném tung đi khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi, biến thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe ra mọi nơi thành gò, thành đống, thành những dãy đồi cao. Vì thế mặt đất ngày nay không bằng phẳng, mà có chỗ lồi chỗ lõm. Chỗ thần đào đất, đào đá mà đắp cột ngày nay thành biển rộng.


Cột trụ trời bây giờ không còn nữa. Sau này, người trần gian thường nói rằng vết tích cột đó ở núi Thạch Môn[4]) vùng Hải Dương. Người ta cũng gọi là cột chống trời (Kinh thiên trụ). Vị thần Trụ Trời đó sau này người ta cũng gọi là Trời hay Ngọc Hoàng[4], bao trùm tất cả, trông coi mọi việc trên trời, dưới đất.


Sau khi thần Trụ Trời chia ra trời đất thì có một số thần khác, nối tiếp công việc còn dở dang, để xây dựng nên thế gian. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Biển,…


Vì vậy, dân gian có câu truyền đến ngày nay:


Ông đếm cát

Ông tát bể (biển)

Ông kể sao

Ông đào sông

Ông trồng câu

Ông xây rú (núi)

Ông trụ trời…[5]

>>>Xem thêm truyện cổ tích cùng danh mục đặc sắc tại "Truyện Cổ Tích Việt Nam".

Chú thích trong truyện thần thoại Thần Trụ Trời

Hỗn độn: chỉ trạng thái của sự vật chưa được phân định rõ ràng.

Mâm vuông và bát úp: người xưa quan niệm trời tròn, đất vuông có cạnh. (Xem thêm Bánh chưng, bánh dày).

Núi Thạch Môn: còn gọi là động Kinh Chủ ở huyện Kinh Môn, Hải Dương.

Ngọc Hoàng: còn gọi là Ngọc Hoàng thượng đế, có nghĩa là vua trên trời. Những chữ này do giai cấp phong kiến đặt ra, trong quá trình thần Trụ Trời được tôn giao hóa.

Đây là một bài về ba chữ. Cũng có sách chép làm bè bốn chữ và thêm số thứ tự nhất, nhì, ba, …, bảy… vào đằng trước:

Nhất ông đếm cát

Nhì ông tát bể

Ba ông kể sao…

>>> Đừng bỏ lỡ những câu chuyện cổ tích Việt Nam khác tại Truyện cổ tích Việt Nam đặc sắc nhất cho bé!


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.